DỆT MAY - DA GIÀY VÀ THỜI TRANG, HAI NỬA CỦA MỘT ĐỒNG XU

Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành Dệt may - Da giày và ngành Thời trang. Hai nhóm ngành tưởng chừng như tách biệt nhưng thực chất lại có mối liên quan mật thiết, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Tuy vậy, đây cũng được xem là 2 ngành còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đòi hỏi phải nhìn nhận lại lợi thế cạnh tranh cũng như những mặt còn thiếu sót để góp phần giải quyết những khó khăn, mở đường cho sự phát triển hơn nữa của hai nhóm ngành này.

TÍNH CHUYỆN ĐƯỜNG DÀI CHO NGÀNH DỆT MAY - DA GIÀY

Cùng với sản phẩm của các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ điện tử, các sản phẩm của ngành Dệt may - Da giày cũng mang lại giá trị xuất khẩu cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ cung ứng toàn cầu đồng thời giải quyết một số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động. Sau khoảng thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành dệt may - da giày toàn cầu nói chung và ngành dệt may - da giày Việt Nam đã bắt đầu từng bước tìm lại được vị thế, nhờ một phần bởi sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử. 

Xuất khẩu hàng may mặc vẫn là động lực chính trong năm nay: Lũy kế 8 tháng năm 2022, ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội, đạt 29,7 tỷ USD. Các hiệp định FTA vẫn là động lực chính gia tăng thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường mục tiêu: Trị giá xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các khối nước EU, Anh và ASEAN vẫn tăng trưởng hai chữ số trong 8 tháng năm 2022 lần lượt là 41%, 43% và 11% svck nhờ các hiệp định mới bao gồm EVFTA, UKVFTA và RCEP. (Nguồn: Tổng cục Hải quan và Tổng cục thống kê). Trong khi đó, ngành Da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Phân tích từ Nghiên cứu và Thị trường cho biết, sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022-2031. Đến năm 2031, Tổ chức Nghiên cứu và Thị trường kỳ vọng thị trường giày dép Việt Nam sẽ đạt giá trị khổng lồ 38,7 tỷ USD - cao gấp đôi so với ước tính năm 2022 là 19,1 tỷ USD. 

Tuy có tiềm năng mạnh mẽ và nằm trong tầm nhìn phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam, nhưng ngành Dệt may - Da giày trong nước vẫn là ngành gia công sản xuất, nằm ở đáy chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần nhiều là doanh nghiệp FDI, chính bởi vậy nên người Việt Nam được hưởng lợi rất ít, chủ yếu đến từ : lương cho công nhân viên sản xuất (rẻ mạt), tiền thuê đất, tiền thuế. Ngành Dệt may - Da giày đáp ứng nhu cầu mặc của con người và tạo ra nhiều việc làm nhưng mặt trái của nó cũng rất lớn khi gây ra ô nhiễm cao toàn diện, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Hiện nay ngành Dệt May - Da giày chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cùng sản xuất chung mặt hàng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đánh giá chính xác thực trạng ngành Dệt May - Da giày Việt Nam hiện nay. Phân tích những lợi thế cạnh tranh của các ngành này có được và những bất lợi thế trong cạnh tranh so với các quốc gia khác, để từ đó đề ra những giải pháp đúng đắn nhằm đưa các ngành này phát triển hơn nữa, nâng cao vị thế của ngành Dệt May - Da giày Việt Nam trên thị trường thế giới.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THỜI TRANG VIỆT NAM

Ngành thời trang là một ngành có liên quan đến thiết kế, sản xuất, phân phối những mặt hàng như trang phục, phụ kiện. Ngành này thường biến đổi nhanh chóng theo xu hướng của thị trường, những sáng tạo mới hay phong cách được tạo nên bởi các nhà thiết kế, người có tầm ảnh hưởng,… Ngành thời trang mang lại nhiều giá trị bao gồm cả giá trị về kinh tế lẫn giá trị tinh thần cho con người. 

Không đơn thuần chỉ là khâu sáng tạo, ngành thời trang bao gồm một tổng thể thống nhất các khâu từ Ý tưởng - Sáng tạo - R&D - Sourcing cho tới Thương mại - Truyền thông - Hậu mãi. Tuy là một ngành đầy tiềm năng và có liên quan mật thiết tới ngành Dệt may - Da giày nhưng ngành Thời trang ở Việt Nam mới chỉ khởi sắc trong khoảng 15 năm trở lại đây với sự góp mặt của nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam. Và chúng ta cũng phải kể đến sự xâm lấn mạnh mẽ từ những thương hiệu thời trang quốc tế với mẫu mã vượt trội và mức giá vô cùng cạnh tranh ở phân khúc bình dân, đại chúng. Chúng ta cũng hình thành nhiều nhà mốt của các nhà thiết kế trẻ (khác với mô hình nhà máy cổ điển). Họ là những người trẻ tuổi, được đi du học về thiết kế tạo mốt bài bản từ Pháp, Ý, Anh quốc, Mỹ và trở về xây dựng thương hiệu của riêng mình. Họ mạnh về sáng tạo nhưng đang học hỏi rất nhiều về sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng. Nhưng đây chính là nhân tố tích cực cho tương lai phát triển của ngành thời trang Việt Nam. 

NGÀNH THỜI TRANG VÀ NGÀNH DỆT MAY - DA GIÀY GIỐNG NHƯ 2 NỬA CỦA 1 ĐỒNG XU

 

Thực tế, ngành Dệt may - Da giày có sức chi phối tới ngành Thời trang bởi đây là nguồn cung đầu vào cho ngành thời trang. Sở dĩ ví von 2 nhóm ngành này tựa như 2 nửa của 1 đồng xu chính bởi tính thống nhất không tách rời của chúng, nếu hiểu đúng bản chất sẽ thấy tầm quan trọng của việc phát triển song song 2 nhóm ngành trong tổng thể nền kinh tế đất nước. Nếu chỉ chú trọng tới ngành Dệt may - Da giày mà quên đi ngành Thời trang, Việt Nam sẽ chỉ có thể gia công sản xuất, rất khó để phát triển những thương hiệu riêng với tiêu chuẩn Châu Âu. Còn nếu chúng ta chỉ quan tâm tới ngành Thời trang, dồn lực vào sáng tạo những ý tưởng mà không có khả năng biến những ý tưởng đó thành sản phẩm chất lượng cao thì ngành Thời trang cũng sẽ mãi “dậm chân tại chỗ” , không có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu thời trang toàn cầu, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. 

Trong chiến lược phát triển ngành dệt may- da giày định hướng phát triển ngành thời trang chưa được đề cập  đúng mức với vai trò, vị trí của nó là 1 nửa của đồng xu “dệt may- da giày”. Do đó trong tương lai, để ngành dệt may- da giày phát triển sang giai đoạn OBM (Original Brand Manufacturing),  nhà nước phải có định hướng và giải pháp cụ thể, mạnh mẽ thì các doanh nghiệp mới có thể vươn lên vị thế tự sản xuất với thương hiệu của mình, đúng với ý nghĩa là dệt may - da giày và thời trang : hai nửa của 1 đồng xu. Tương lai của một ngành Dệt may - Da giày được phát triển bền vững khi nền kinh tế phát triển song hành với một thị trường thời trang.

GIOVANNI - THƯƠNG HIỆU VIỆT VỚI KHÁT VỌNG VƯƠN TẦM THẾ GIỚI

Với Giovanni - thương hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam đã sớm thấy vai trò cầu nối của Thương hiệu giữa ngành thời trang và ngành may mặc. Khác với những công ty may mặc vốn tập trung năng lực sản xuất khổng lồ từ 20 năm trước và gần đây mới tham gia vào thị trường thời trang, Giovanni là thương hiệu xây dựng giá trị thương mại với các mẫu thiết kế và sản phẩm cao cấp từ Thái Lan, Bồ Đào Nha, Italy từ 17 năm về trước. Trong giai đoạn kinh tế hội nhập, Giovanni đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, chuyên sản xuất sản phẩm cao cấp, có giá trị cao, góp phần giúp cho ngành dệt may Việt Nam nâng cao giá trị đóng góp về chất lượng sản phẩm bởi đây là một minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm ra những sản phẩm cao cấp, tinh xảo không thua kém bất cứ hãng hàng hiệu nào trên thế giới.

Với sự hợp tác, song hành cùng những nhà thiết kế, studio sáng tạo hàng đầu thế giới, Giovanni tạo ra những sản phẩm thời trang, sản phẩm truyền thông tương đương với các hãng toàn cầu. Thương hiệu đang giúp nâng tầm sự cầu kì, khắt khe của người tiêu dùng Việt Nam lên những tiêu chuẩn mới, tiến gần hơn với những chuẩn mực của thế giới. Giovanni tin rằng ngành Dệt may - Da giày và ngành Thời trang của Việt Nam cũng sẽ chia sẻ những kết quả mà Giovanni tiên phong mang lại từ 17 năm nay cũng như cùng Giovanni tạo ra một thị trường năng động và hội nhập cùng thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu thời trang toàn cầu.